doc-sach bai-hoc-cuoc-song ghi-nhanh - It costs 7 mins to read

Bài viết này được trích từ Sách Khuyến Học của Fukuzawa Yukichi, một tác gia, một nhà tư tưởng lớn của Nhật Bản vào thế kỉ 19 – Đây là một trong những bài viết mình thích thú nhất trong quyển Sách. Xin trích đăng lại trên Blog để bản thân mình đọc lại và nghiền ngẫm.

Đọc quyển sách này, mình cảm thấy như được ngồi trong một buổi tọa đàm của người xưa, được nghe người xưa thuyết giảng về lẽ sống, về học vấn… Dù rằng một số thứ đã không còn mới mẻ nhưng những tư tưởng tinh túy trong đó vẫn có thể được áp dụng ở thời đại này.

Và … mình chợt nhận ra không phải đến bây giờ, con người mới trăn trở về cuộc sống mà đã có từ bao đời nay. Những gì mình gặp phải, những thứ mình nghĩ đến, người xưa cũng đều đã kinh qua. Dù rằng ở hoàn cảnh của họ không được hiện đại và văn minh như bây giờ. Họ vẫn sống tốt, để lại nhiều di sản vĩ đại cho con cháu và mình may mắn được thừa hưởng thì càng nên biết phấn đấu để thành “người” chứ không phải loại sâu bọ, côn trùng…

Chương “MỤC ĐÍCH CỦA HỌC VẤN LÀ GÌ?

CÓ NHỮNG NGƯỜI CẢM THẤY THỎA MÃN CHẲNG KHÁC GÌ LOÀI SÂU KIẾN

Mưu cầu cái ăn, cái mặc, chỗ ở ổn định dựa vào hoạt động của khối óc và cơ thể là lẽ thường tình ở con người.

Mọi sự vật trong thế giới tự nhiên xung quanh ta, không có vật nào lại không có ích cho con người. Một hạt giống gieo xuống có thể cho ra cả hai ba trăm quả. Cây cối tự mọc trong rừng sâu. Gió làm quay cối xay. Biển tiện lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Con người vào rừng đào hầm lò lấy than, ra sông xuống biển lấy nước; nhờ biết lợi dụng sức nước, sức lửa mà chế tạo ra tàu hỏa, tàu thủy chạy bằng hơi nước. Không sao kể xiết những lợi ích tuyệt vời của thế giới tự nhiên bao la.

Con người nhận được ơn huệ từ thế giới tự nhiên, tác động thêm một chút vào nó, tạo ra nguồn lợi cho chính mình. Chỉ cần thêm một phần trăm công sức vào những thứ sẵn có trong tự nhiên là con người đã có thể có được cái ăn, cái mặc và chỗ ở của mình. Điều này giống như nhặt được của do người khác vứt trên đường vậy. Tức là, tự bản thân con người chẳng phải khó nhọc gì cho lắm, vẫn kiếm sống được. Mà đã thế thì không có gì đáng để tự phụ.

Tất nhiên, đối với con người việc tự lập kiếm kế sinh nhai rất quan trọng. Người xưa thường dạy: “Hãy kiếm sống bằng chính mồ hôi của mình.” . Thế nhưng theo tôi, cho dù chúng ta có làm đúng theo lời dạy này thì cũng chưa phỉa là đã làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ với tư cách là con người. Lời dạy này mới dừng lại ở chỗ răn người ta làm người thì đừng để thua kém muông thú và cũng chỉ dạy có thế.

Các loài chim chóc, muông thú, tôm cá, côn trùng… tự chúng không kiếm mồi được sao? Ví dụ như loài kiến chẳng hạn. Loài kiến không những biết kiếm mồi mỗi ngày mà còn biết làm hang, làm ổ, tích trữ mồi trong suốt mùa đông giá rét.

Vậy mà trên đời này, có không ít người, hành vi của họ cũng chỉ ngang với đàn kiến thôi mà cũng tự mãn.

Tôi lấy một ví dụ để mọi người cùng thấy. Có một người con trai đến tuổi trưởng thành. Anh ta có được việc làm trong ngành công thương nghiệp, hoặc có chân trong giới quan chức. Bản thân anh ta hoàn toàn có thể sống độc lập mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ một sự trợ giúp nào từ gia đình và bạn bè. Tự tay anh ta xoay xở xây lên được một căn nhà, sắm sửa được mọi vật dụng thiết yếu trong gia đình mà không cần nhờ vả người khác và cưới được một cơ vợ như ý. Anh ta sống tằn tiện, sinh con, nuôi con cái ăn học. Anh ta cũng có được một khoản tiền tiết kiệm, phòng khi “trái gió, trở giời” còn có cái đê chi tiêu.

Anh ta mãn nguyện vì cho rằng như thế là mình đã có được cuộc sống độc lập. Dư luận xã hội cũng đều đánh giá anh ta là một người hoàn hảo và bản thân anh ta cũng lấy làm đắc chí.

Hỏi ở thế kỷ 21 này, đã có mấy người làm được hơn thế? Và còn biết bao nhiêu người chỉ mong được như Anh ta? – viphat

Các bạn nghĩ sao về con người này? Tôi thì không nghĩ rằng anh ta là một con người hoàn hảo. Sẽ nhầm lẫn nếu dư luận xã hội đánh giá nhân vật này như tôi viết ở trên. Thực ra, anh ta chỉ lặp lại những gì mà loài kiến đã và đang làm không hơn không kém. Tôi thừa nhận rằng không phải tự nhiên mà anh ta có được cuộc sống ổn định, có được căn nhà riêng. Anh ta đã phải nỗ lực và vất vả lắm mới có được như vậy. Vả lại, tự anh ta tạo ra cho mình và gia đình mình cuộc sống độc lập chứ có dựa dẫm vào ai đâu. Ở điểm này thì anh ta hoàn toàn không phải hổ thẹn trước lời dạy của người xưa.

Nhưng, tôi lại hoàn toàn không nghĩ rằng loài người với tư cách là chúa tể của muôn loài – mới có được kết quả nhỏ nhoi như vậy mà đã coi là hoàn tất mục đích đích thực của cuộc đời.

Giải quyết được cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà đã mãn nguyện, đã cảm thấy hài lòng rồi thì hóa ra cuộc đời con người trên thế gian này chỉ đơn thuần là được sinh ra rồi chết đi không thôi hay sao? Tình trạng lúc anh ta chết đi có khác gì lúc được sinh ra. Tức là quanh quẩn vẫn chỉ là chuyện sao cho có nhà cửa, có cuộc sống ổn định và có của ăn của để nữa. Vẻn vẹn chỉ có vậy. Nếu đến thế hệ con cháu, cũng lặp đi lặp lại y hết cuộc sống của anh ta thì dù có trải qua hàng trăm đời, làng xóm thị trấn nơi anh ta đã sống xưa thế nào nay chắc cũng vậy, không chút thay đổi.

Đọc đến đây thì mình tự thấy hổ thẹn là cả đến những việc đó mình còn chưa làm được và chưa làm tốt, còm không bằng loài sâu kiến nữa. – viphat

Không một người nào nghĩ tới sự nghiệp công ích, công cộng, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và gia đình. Ngoài ra thì mặc kệ.

Không một người nào có suy nghĩ là phỉa làm gì, để lại cái gì cho quê hương khi đang còn sống.

Người Châu Âu có câu: “Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân mình thì thế gian này cũng không có gì khác khi mới có loài người.”

Thỏa mãn, toại nguyện có nhiều kiểu. Vì thế, cần phải phân biệt và lưu ý về sự khác biệt đó. Lomg2 tham của con người giống như cái thùng không đáy, được cái này lại muốn ngay cái khác, vừa mãn nguyện đấy nhưng lại bất mãn ngay. Đó là dục vọng, là dã tâm. Phải biết chế ngự chúng.

Như tôi đã nói ở trên, những kẻ không chịu lao động trí óc, lao động chân tay, không hướng tới mục đích cơ bản của con người, chỉ có thể gọi họ là lũ lười biếng, ngu đần, không khác gì loài sâu bọ có hại.

Fukuzawa Yukichi – Khuyến học hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản.