cam-xuc bai-hoc-cuoc-song - It costs 3 mins to read

Có người từng nói với anh – Nếu ở độ tuổi đôi mươi, bạn vẫn chưa biết được mục đích của cuộc đời mình là gì thì cũng không có gì phải lo lắng và thất vọng cả. Có người trưởng thành sớm, có người trưởng thành muộn hơn, và không phải ai cũng có thể tự lập trình được cuộc sống của mình khi còn trẻ. Người Việt mình, so với các bạn đồng trang lứa ở các nước phát triển, trưởng thành kém hơn 5~8 năm, Đó không phải lỗi của Em, mà là lỗi của xã hội và hệ thống giáo dục.

Và nếu Em có dịp tham gia những khóa học ngắn hạn, những buổi hội thảo, tọa đàm hay chia sẻ về các kỹ năng mềm, về phát triển bản thân, Em sẽ thấy có rất nhiều bạn trẻ, khi được hỏi về “con người mà bạn muốn trở thành” trong 10 năm tới, 20 năm tới… Em sẽ nhận được nhiều câu trả lời tương tự như “Khi tôi 20, Tôi muốn mình tập trung vào việc học và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi… Khi tôi 25, tôi thấy mình đang làm việc cho một Công ty đa quốc gia và được thử thách, trui rèn bản thân mình trong đó… Khi tôi 30, tôi sẽ mạnh dạn từ bỏ công việc với mức lương 8 con số để khởi nghiệp kinh doanh. Tôi của năm 40 là một doanh nhân thành đạt với một gia đình hạnh phúc. Năm 45 tuổi, tôi đã công thành danh toại, bây giờ tôi muốn nghỉ ngơi, bỏ hết công việc sau lưng và cùng người Vợ thương yêu của mình đi du lịch vòng quanh thế giới…” – Em thấy không, nếu làm được như thế thì thật viên mãn phải không Em? Khát vọng muốn trở nên giàu không có gì là sai cả nhưng liệu những thứ đã vạch sẵn ở trên có phải là mục đích sống của họ không? Nhiều người đặt nặng sự thành công về vật chất, chỉ chú trọng vào vật chất và chỉ chăm chăm làm giàu cho bản thân có khiến Em hạnh phúc hơn không khi biết rằng để đạt được những thành công đó, em phải đánh đổi bằng nhiều thứ quý giá hơn? Liệu khi đạt được mục tiêu cuộc đời mình, Em có cảm thấy đủ, có dám dừng lại và mạnh dạn cho đi không? Hay lại tiếp tục muốn chinh phục các mục tiêu cao hơn, kiếm được nhiều tiền hơn? Anh thấy đa phần các bạn trẻ không nhắc gì đến cống hiến cho xã hội, không nhắc gì đến việc hoàn thiện nhân cách và văn hóa… Đó thật là những thiếu sót lớn. Hãy thành nhân trước khi thành công, thành đạt hay thành tài. Và độ tuổi đôi mươi chính là thời điểm lý tưởng để rèn luyện được điều này – THÀNH NHÂN. Hãy bắt tay vào hành động NGAY - hãy trở thành một người trẻ năng động và đầy bản lĩnh, sẵn sàng chinh phục các thử thách bằng việc không ngừng rèn luyện và phát triển bản thân.

Nếu mục đích cuộc đời của em chưa xuất hiện, Em không cần thiết đi tìm nó, nhưng cũng không được đứng yên mà chờ đợi nó xuất hiện. Hãy sống ở thì hiện tại, xác định thứ mình muốn làm, con đường mình muốn theo đuổi, đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và hơi hơi dài hạn. Mặc dù sương mù giăng đầy lối, khiến Em không thể nhìn được đoạn cuối của con đường Em đang đi. Nhưng chỉ cần Em đi đúng hướng, từng chút, từng chút thôi, kiên trì, không bỏ cuộc thì khi em ngày càng đi xa hơn thì đích đến của con đường sẽ hiện ra ngày càng rõ hơn.

Mục đích của cuộc đời là gì? Không biết ư, không sao cả.

Đọc thêm: Tháp nhu cầu Maslow và Lý thuyết về động lực thúc đẩy của con người – http://psychclassics.yorku.ca/Maslow/motivation.htm

Viết nhân dịp tham gia hội thảo của thầy Trần Đình Dũng.