doc-sach tu-hoc ghi-nhanh - It costs 15 mins to read

Ghi chép trong lúc đọc quyển “Tôi Tự Học” của cụ Nguyễn Duy Cần. Chính nhờ đọc sách của Cụ, mà mình mới ngộ ra tầm quan trọng của việc học và biết được rằng việc học là việc của cả đời người. Và Việc mình chủ động ghi chép trong lúc đọc Sách thực ra cũng là qua cuốn “Tôi Tự Học” này cả. (Nếu chỉ chăm chăm vào đọc nhanh, đọc nhiều Sách mà không đọng lại được gì thì khác gì kẻ vô học?)

Học để làm gì?

Có hai kiểu học: Học vì tư lợi (Đó là cái học về chuyên môn, học vì sinh kế, để thành công và vươn lên trong cuộc sống) và Học không vì tư lợi.

Có nhiều kẻ họ sống hết sức hạnh phúc trong sự ngu dốt và ở không của họ. Andre Gide cũng nói “Một cái hạnh phúc mà vô tâm, tôi không chịu sống trong hạnh phúc ấy.”

Học vấn và thời gian Đời sóng ta có hạn mà sự học hỏi thì vô hạn Điều mà ta biết rõ nhất là ta không biết gì cả

Cái học về bề rộng và cái học về bề sâu

Cố gắng: Điều kiện đầu tiên của sự tiến bộ tinh thần

Ta nên nhớ rằng, người ta có thể đọc sách rất nhiều, đi du lịch cùng khắp thế giới mà dốt nát vẫn hoàn dốt nát. Là tại sao? Đọc sách có nhiều cách. Nếu đọc sách chỉ để giết thời giờ, tìm vui thích hoặc để tìm quên lãng trong những lúc buồn chán ở trên toa xe hay đọc sách để tìm giấc ngủ thì đọc sách chẳng có lợi gì cho tinh thần cả. Đọc sách mà có lợi cho tinh thần là khi nào mình biết vận dụng tất cả năng lực và năng khiếu của mình, nhận thức được rõ ràng những ý kiến sâu thẫm của lòng mình đem ra so sánh với những ý kiến dị đồng của tác giả, biết sắp đặt lại những ký ức của mình, biết trầm ngâm suy nghĩ, biết làm việc có phương pháp, tóm lại, biết thảo luận và thông cảm với tác giả quyển sách mình đọc, đó là biết cách đọc sách đấy.

Du lịch cũng là một nguồn học hỏi, nhưng biết du lịch chỉ là thụ dụng, ví bằng chẳng biết quan sát, biết suy nghĩ thì dù có lê chân suốt đời khắp năm châu thế giới cũng chẳng ích gì. Sở dĩ du lịch đã giúp ích cho sự “đa văn quảng kiến” cho nhiều bậc văn hào trên thế giới như bằng chứng nơi những tập du ký của những đại văn hào H.de Keyserling, Aldous Huxley, R.Rolland, A.Gide… là vì những nhân vật ấy đã khéo biết quan sát, không phải cái bề ngoài của sự vật và con người mà là vì họ đã biết nhìn xem cái động cơ vô hình đã nhào nặn những sự kiện hữu hình dưới mắt họ kia. Sự du lịch của họ không có tính cách thụ động mà hoàn toàn hoạt động, nhưng không phải hoạt động nhọc nhằn và chán nản như một thí sinh dượt thi một cách đau khổ chán chường. Sự cố gắng trong vấn đề học hỏi rất có thể, trái ngược lại, là một cố gắng đầy hứng thú và hăng hái nhất đời - như sự cố gắng của nhà đánh vợt hay đá banh trong một cuộc tranh hùng nhiệt liệt, hào hứng và sung sướng. Ta lại cũng có thể so sánh sự cố gắng ấy như sự cố gắng của nhà thi sĩ khi nặn được một vần thơ, tuy vô cùng nhọc mệt nhưng cũng vô cùng hạnh phúc.

Cố gắng mà được bền bỉ là nhờ có sự hứng thú làm hậu thuẫn

Biết tổ chức sự hiểu biết của mình

Biết tuyển chọn

Học cần phải biết tuyển chọn. Tuyển chọn, tức là phê phán, quyết định và lọc lại trong mớ sách ngổn ngang chồng chất trong các nhà sách những sách nào hợp với mình và cần thiết cho nhu cầu hiện thời của mình. Không lựa chọn, đụng đâu học đó, làm tản mát tinh thần mà cũng không hiệu quả vào đâu cả.

Tuyển chọn phải là công việc đầu tiên của người ham học. Chẳng những phải biết chọn riêng cho mình những sách mà mình thích nhất, lại cũng phải biết tuyển chọn trong một quyển sách những chương nào hay nhấtt để ta thỉnh thoảng đọc đi đọc lại. Tuyển chọn cũng có nghĩa là tuyển lại một trang, một đoạn hoặc một câu nào hay nhất có thể là tinh họa của cả một chương, hay của một tiết để xem đi xem lại, hoặc để học thuộc lòng hay ghi nhớ trong tâm khảm.

Một trang sách hay là vì nó là tiếng dội của lòng ta và ta có thể nói: “Đây là ý tưởng và cảm xúc của tôi, và nếu tôi viết ra, tôi chỉ muốn viết được như thế, chỉ tiếc vì tôi không đủ tìa hoa để miêu tả được thôi.”

Đừng bao giờ đọc những bài văn bây giờ, nhất là vừa mới viết do những ngòi bút mới lạ. Đừng đọc sách mới xuất bản. Phải để cho thời gian đào thải. Ngày giờ ta rất ngắn ngủi: đừng nên đọc những sách chưa chịu nổi thử thách của thời gian, đừng nên đọc sách của nhà văn chưa có tên tuổi.

Những điều kiện thuận tiện cho sự tự học

Thời giờ

Tưới cây, người ta cũng tưới từ từ và phải có thời gian, nước mới có thể thấm nhuần gốc rễ. Có thời gian, trái mới chín, hoa mới trổ.

Tinh thần tản mát

Tránh tản mát vì những xã giao tầm thường, phải biết bênh vực thời giờ quý báu của ta. Biết từ chối, đó là một sức mạnh của tâm hồn. Đừng sợ làm phật lòng kẻ khác bằng sự từ chối khéo léo: mình đã chẳng những làm lợi cho mình mà cũng không làm bận cho người.

Đời sống đơn giản

Sống đơn giản, đâu có nghĩa là sống nghèo khó trong cảnh muối dưa đạm bạc, sống thiếu tất cả tiện nghi và trở lại sống cái sống con người bán khai mộc mạc. Giao thiệp với đời là cần thiết cho sự rộng thấy, xa nghe. Người khôn ngoan biết hưởng thụ những khoái lạc của cuộc đời, phải biết ăn mặc đẹp, thưởng thức các mùi hương hoa, âm nhạc. Đó là người biết sống một cách đơn giản, biết phân biệt cái gì là chính, cái gì là phụ, cái gì là cứu cánh, cái gì là phương tiện.

Học, cần phải làm như con ong nút nhụy, đừng học đòi theo con bướm giỡn hoa. Có người tưởng rằng mình sẽ có được số vốn học hỏi vừa căn bản, vừa rộng rãi bằng cách hàng ngày đọc năm ba quyển sách, chín mười tờ báo, đi xem ba bốn phòng triển lãm, đi nghe hai ba cuộc diễn thuyết văn học, chính trị, triết lý, v.v… Với cách học như thế, chắc chắn họ chỉ được một cái học ngoài da, một cái bọc hơn là có lợi cho óc phán đoán đúng đắn và mực thước. Chồng chất không thứ lớp những sự học hỏi hiểu biết của ta, đâu phải là mục tiêu của văn hóa. Sự tổ chức lại các điều học hỏi của ta còn quan trọng hơn là những điều mà ta đã học hỏi. Và chính sự tổ chức cho có hệ thống đàng hoàng là quan trọng nhất.

Cái học mà vụ về bề rộng và bề cạn, nghĩa là cái gì cũng biết nhưng không có cái gì là thật biết, là “kẻ thù” số một của văn hóa. Đọc sách để mà học cần phải chọn lọc thật kỹ. Sự gần gũi thân mật với những loại sách quá tầm thường sẽ càng ngày càng làm hạ thấp tinh thần trí não của ta. Gần mực đen, gần đèn sáng.

Đọc mười cuốn sách đôi khi không bằng việc đọc một cuốn sách mười lần. Câu này làm mình nhớ đến câu nói nổi tiếng của Lý Tiểu Long, Tôi không sợ người luyện tập 10.000 thế võ mà tôi sợ người luyện tập 1 cú đấm 10.000 lần.

Sự tập trung tinh thần

Đào mãi một cái lỗ là phương thế duy nhất để đi sâu vào lòng đất và khám phá được những bí ẩn của nó.

Muốn có được một đầu óc luôn luôn sáng suốt, phải biết tập cho mình cái thói quen tìm ngay ý chính, biết phân biệt liền cái gì là yếu điểm với những gì là phụ thuộc, nhất định không bao giờ để mình bị lôi cuón theo những đề phụ… mỗi khi đọc sách, xem tranh, làm văn, xem kịch hay nghe diễn thuyết. Nhất là đọc sách. Đọc sách là muốn tìm nắm lấy cái đại ý của toàn tập, phải đọc nó suốt một hơi, đừng bận những tiểu tiết về văn từ cũng như về ý tưởng. Về sau sẽ đọc trở lại vài lần một khi đã nắm được đại ý. Bấy giờ, ta sẽ đọc kỹ lại từng thiên, từng đoạn, từng câu. Nhưng bao giờ cũng phải để ý đến chỗ thuần nhất của nó.

Cái đặc điểm của những bậc vĩ nhân là nơi sức mạnh sự tập trung tinh thần của họ, họ để hết tâm tư của mình vào công việc họ đang làm, họ cứ đeo đuổi mãi theo một vấn đề suốt năm này đến năm kia mà không biết nản, cứ nghĩ đến nó mãi mà thôi.

Óc nhân quả

Sự vật trên đời không bao giờ ngẫu nhiên mà có, cũng không bao giờ ngẫu nhiên mà không. Nguyên nhân của nó hoặc gần hoặc xa, chắc chắn là phải có. Không có gì ngẫu nhiên cả, tất thảy đều có cái lý của nó. Hãy luôn tự hỏi Tại sao? Cần phải tạo cho mình một khuynh hướng luôn luôn đứng trước một sự kiện gì đều phải biết tìm dây nhân quả thì sự học hỏi của ta mới chắc chắn vững vàng vì có biết đặng nguyên nhân mới hiểu rành mọi sự. Tiền nhân hậu quả.

Óc tế nhị

Trong khi học, quan sát, ta cần phải quan tâm đến sự giống nhau và khác nhau của mỗi sự vật. Những đầu óc tinh nhuệ mới nhận thấy được sự khác nhau trong sự vật, những đầu óc tầm thường chỉ thấy toàn là những sự giống nhau thôi. Thấy cho đúng chỗ giống nhau, nhận cho đúng chỗ khác nhau, phải là một đầu óc tinh nhuệ sắc sảo lắm mới được.

Luyện óc tế nhị: Hễ thấy những vật giống nhau, cần phải tìm những chỗ dị đồng của nó, nhờ vậy mà ta thấy được nhiều khía cạnh của sự vật, chỗ mà kẻ khác chỉ thấy có được một khía cạnh mà thôi, nó giúp ta thấy được sự thực giả một cách rất dễ dàng trong các sự vật.

Óc tán thưởng

Tất cả mọi người đều ao ước được có nhiều hiểu biết. Nhưng muốn hiểu biết, điều kiện đầu tiên là phải biết nhìn đời với cặp mắt của đứa trẻ thơ: cái gì cũng mới lạ và làm cho ta ngạc nhiên được cả. Sự quen thuộc thường làm cho ta không nhận thấy được những cái hay, cái đẹp của chỗ ta ở hàng ngày.

Phần đông, ta thường có khuynh hướng hay tưởng tượng rằng mình đã hiểu rõ rồi, nhưng khi bị bắt buộc phải giảng giải ra thì mình mới nhận thấy mình mới chỉ nhận thức một cách lờ mờ. Phải chăng ta thường thấy có nhiều kẻ quá hoạt bát, quá thông minh nhưng kỳ thật chỉ là những đầu óc thiển cận và chỉ bừng sáng như ngọn lửa rơm. Trái lại, có nhiều kẻ mới xem thì lù đù mà tư tưởng lại uyên thâm. Họ hiểu chậm, nhưng đến khi hiểu thì họ hiểu một cách sâu sắc thâm trầm. Là tại sao? Nhờ họ không xem thường một việc nhỏ nhặt nào cả. Nhân đó ta có thể phân biệt rõ ràng kẻ nào biết tư tưởng với kẻ không tư tưởng gì cả. Trước một sự kiện huyền bí, kẻ không tư tưởng quả quyết là không có gì lạ mà không hiểu. Trái lại, dù là đứng trước một sự kiện hiển nhiên, kẻ biết tư tưởng vẫn e dè và tự bảo: “Tôi cũng chưa hiểu rõ là gì cả.”. Đó chính là hàm ý, chỗ sâu sắc nhất của lời nói này: “Điều mà tôi biết rõ hơn hết, là tôi không biết gì cả.”

“Không có sự dốt nát nào nhục nhã bằng tin tưởng rằng mình đã hiểu những gì mình không hiểu.”

Chỉ có những người tự đắc và nông nổi mới dám quả quyết: “Đời đục cả, một mình ta trong. Đời say cả, một mình ta tỉnh”. Tự mãn trong sự hiểu biết của mình và tin tưởng rằng không còn có gì phải suy xét lại nữa là tự hủy hoại con đường tiến thủ tinh thần ta rồi.

==Ta sống nhờ ngó đàng trước, ta hiểu nhờ ngó lại sau, ta cảm nhờ có sự vắng mặt.==

Phải có một sự khác nhau mới làm cho ta để ý và suy nghĩ. Chính nhờ có bóng tối mới làm nổi bật được ánh sáng. Có sống trong nô lệ, người ta mới biết nghĩ đến giá trị của tự do mà tiếc uổng. Ngày mà ta cảm thấy thâm cảm được mối tình sâu nặng của cha mẹ ta chính là ngày mà hình bóng ấy đã vắng bặt trên cõi đời. Khi mà ta nếm được hương vị thần tiên của tình yêu thâm trầm ấy, chính là ngày mà ta cảm thấy đã quá muộn màng, không còn phương gì để đền ơn đáp nghĩa nữa.

Phương pháp tích cực để kích thích óc tán thưởng - tức là biết đặt vấn đề, đặt những câu hỏi để mà tiên đoán hay dự đoán những gì ta sắp đọc, sắp nghe. Rất có thể mình dự đoán sai nhưng cái đó không mấy cần. Chính cái chỗ khác nhau giữa sự thực với việc ta dự đoán mới là điều quan trọng: nó kích thích óc tò mò và làm cho ta nhớ thật dai, đồng thời bắt ta suy nghĩ và làm giàu óc sáng kiến. Hiểu biết, thực ra là một sự nhận ra những gì mà ta đã biết. Nghĩa là, cái thật biết là cái biết do mình đã tìm ra. “Đồng thinh tương ứng, đồng khí tương cầu” Một cách khác để kích thích óc tán thưởng và sự ngạc nhiên là thường nên lân la với những người có những quan niệm về cuộc đời khác ta hoặc chống đối lại với ta. Đôi khi cũng nên đọc những sách có chiều tư tưởng nghịch lại với ta. Kẻ đồng chí với ta là bạn ta, mà kẻ thù của ta thường là “thầy” của ta.

ĐỌC SÁCH

Sách giúp ta suy nghĩ, chỉ cho ta khỏi phải tốn công tìm kiếm một điều gì mà kẻ khác đã tìm ra được trước ta. Đó là đã đỡ bớt cho ta một sự phí công vô ích. Ta cần dành sức để tìm kiếm thêm những cái mà kẻ khác đã tìm và nhân đó làm cho nó thêm sáng tỏ hơn. Hoặc nó cũng chỉ ra cho ta một điều gì mà thiên hạ đang tìm, nhưng tìm chưa ra. Ít ra, nó cũng chỉ cho ta biết vấn đề đã phát sinh ra như tthế nào, và người ta đã giải quyết nó như thế nào, hoặc người ta đã tìm nó tới đâu rồi. Sách giúp ta đốt giai đoạn và tóm lược cho ta biết bao nhiêu thế kỷ suy tìm và kinh nghiệm mà nếu ta phải tự tìm, thời gian của ta sẽ không cho phép.

Học bằng sách - có thể tóm trong hai điều kiện sau:

Thế nào là Sách hay

Loại trừ những thứ sách học mà dài nhăng nhẳng, to lớn nặng nề. Loại trừ những sách buồn chán. Loại trừ những sách khó hiểu. Nhờ một vài bậc học thức cao thâm để nhờ cậy họ giới thiệu sách hay. Nếu không có ai, hãy lựa những sách do những tác giả có tên tuổi viết ra. Chúng ta nên tin cậy nơi sự lựa chọn của các thế kỷ đã qua. Một người có thể lầm, một thế hệ có thể lầm nhưng cả nhân loại không thể lầm.

Thế nào là biết cách đọc sách

Đọc sách là một cách lười biếng nguy hiểm nhất, bởi kẻ làm biếng mà ở không, họ sẽ cảm thấy như khó chịu với lương tâm. Trái lại, nếu họ có đọc sách, họ tin rằng họ có làm việc và nhân thế, cái bệnh lười biếng của họ không còn thế nào trị được nữa.

Có nhiều kẻ đọc sách như điên, luôn luôn sách chẳng rời tay, nhưng vì không biết cách đọc sách nên họ không hiểu họ đọc những gì, cũng không rõ tác giả là ai. Lối đọc sách này chỉ làm phí thời giờ mà thôi. Ta sẽ thấy sau một tuần lễ, ta sẽ không còn nhớ gì nữa cả.

Có một hạng độc giả đọc sách để mà lo việc khác. Họ vẫn chăm chú đọc hàng này đến hàng kia, nhưng thực sự tâm tư họ đi vào chỗ khác. Lại cũng có một hạng độc giả, sách gì cũng đọc, nhưng họ chỉ đọc từ chặng, khúc đầu, khúc đuôi rồi xếp sách lại, tin tưởng rằng mình đã hiểu được tất cả ý tưởng của tác giả. Nhưng thực ra, đầu óc họ vẫn trống trơn, cũng có khi họ nhớ, nhưng chỉ nhớ những vụ lặt vặt không đầu đuôi, không thành vấn đề gì cả.

Đọc sách để tìm hiểu mình

B. Phải đọc sách cách nào?

Còn tiếp