Bài này lấy từ Blog của anh Huydx - http://huydx.com/essentialism/.
Haizz, Đọc xong tự nhận thấy mình đang là một Non-Essentialist 100%.
Gần đây tôi vừa đọc xong cuốn sách với tựa đề là Essentialism the disciplined pursuit of less. Tác giả cuốn sách là Grek McKeown, một diễn giả nổi tiếng chuyên đi diễn thuyết ở các công ty công nghệ lớn (bao gồm cả Google và Facebook), về việc làm thế nào để trở nên thành công và hiệu quả hơn trong công việc.
Cuốn sách dạy chúng ta nên “Essential” tức là: cố gắng tập trung vào làm càng ít việc càng tốt, tránh lan man, và trước khi làm gì đó thì hãy đặt câu hỏi: “liệu việc mình định làm có thật sự quan trọng ?”
Tác giả trong cuốn sách chia con người thành 2 loại: Essentialist và Non-Essentialist, tôi tạm gọi là những người thành công, và những người thất bại, và đưa ra những tình huống và cách ứng xử mà mỗi loại người sẽ có những hành vi khác nhau, mà dưới đây là 1 vài ví dụ.
Khám phá
Tình huống: Trong cuộc sống hàng ngày nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy có rất nhiều cái để khám phá. Bạn lúc nào cũng nghĩ và lo lắng không biết cuộc sống của mình sẽ thế nào. Chính vì lo lắng như vậy nên bạn luôn tận dụng mọi cơ hội có thể (bạn sẽ nhận lời mọi cuộc phỏng vấn về một công việc mới, đi đến mọi hội thảo để nghe ngóng..). Trong tình huống này thì
-
Non-Essentialist: luôn luôn nghĩ rằng cuộc sống là bận rộn, không có chỗ để làm những việc khác. Luôn luôn phản ứng với mọi thứ thú vị xung quanh, và bị tràn ngập bởi thông tin.
-
Essentialist: luôn biết cách trốn thoát khỏi sự bận rộn để tạo cho mình các khoảng trống, từ đó sẽ bình tĩnh để nghĩ xem cái gì là quan trọng để làm tiếp theo. Ngoài ra những người này họ biết lắng nghe những gì là cần thiết, những gì là “noise”, biết cách chắt lọc ra những thông tin mà những người khác không nhìn thấy (đây là một kĩ năng thường thấy ở các nhà báo chuyên nghiệp).
Giấc ngủ
Tình huống: Bạn có luôn cảm thấy mình thiếu ngủ, hay có nghĩ là: “giá 1 ngày có 48 tiếng”.
-
Non-Essentialist: họ nghĩ rằng bớt 1 tiếng ngủ sẽ có thêm 1 tiếng để làm việc, hay giấc ngủ là một thứ gì đó xa xỉ trong cuộc sống quá bận rộn này. (Đọc xong bài này chắc gác máy đi ngủ thêm 1 tiếng).
-
Essentialist: họ biết rằng ngủ 1 tiếng sẽ dẫn đến N tiếng làm việc hiệu quả trong ngày tiếp theo.
Vấn đề về giấc ngủ này thì cá nhân tôi thấy phụ thuộc vào con người và tình huống (Elon Musk làm việc hơn 100 tiếng 1 tuần). Tuy nhiên việc biết khi nào thì bạn nên ngủ và nghỉ ngơi chính là 1 kĩ năng mà những người thành công luôn nắm rất rõ.
Mục tiêu
Tình huống: Bạn có quá nhiều dự định, hay có quá nhiều giấc mơ. Tuy nhiên dự định nào của bạn cũng mơ hồ và bạn không biết phải bắt đầu từ đâu với nó.
- Non-Essentialist: hay có những mục tiêu mập mờ, không rõ ràng. Ngay cả khi có những mục tiêu có vẻ rõ ràng rồi, họ không có các bước để thực hiện chúng một cách rõ ràng.
- Essentialist: luôn đặt ra chiến lược để thực hiện các mục tiêu đề ra một cách rõ ràng và minh bạch.
Từ chối
Tình huống: Bạn bị nhờ vả rất nhiều ở công ty, trong cuộc sống, mà mỗi khi bạn làm hộ ai một cái gì đó thì sẽ mất cả tá thời gian. Từ đó sẽ dẫn đến những ngày làm việc mà bạn cảm thấy “không hiểu thời gian trôi đi đâu mà nhanh vậy”
- Non-Essentialist: họ sợ các mối quan hệ, áp lực xã hội, và luôn trả lời “có” với mọi đề nghị.
- Essentialist: biết cách “trả lời không” với hầu hết các đề nghị, một cách nhẹ nhàng và cương quyết. Họ chỉ trả lời “có” với những gì thật sự có ý nghĩa.
Đầu tư
Half of the troubles of this life can be traced to saying yes to quickly and not saying no soon enough (Josh Billing)
Tình huống: Bạn hay công ty bạn đầu tư vào một dự án hàng triệu đô, tuy nhiên sau gần nửa năm chưa sinh ra lãi, bạn băn khoăn không biết nên tiếp tục dự hay hay không?
-
Non-Essentialist: nghĩ rằng “tại sao lại dừng lại khi đã đầu tư quá nhiều tiền vào dự án này rồi?”, họ sợ phải thừa nhận sai lầm, và luôn cố tin vào một tương lai không quá sáng sủa.
-
Essentialist: Họ đặt câu hỏi là: “nếu tôi được đầu tư lại dự án từ đầu thì sẽ tốn bao nhiêu? Nếu dừng dự án lại bây giờ thì tôi sẽ dùng tiền và thời gian để làm gì?”. Họ luôn cảm thấy thoải mái với việc thừa nhận sai lầm để giảm thiệt hại.
Có một cách làm khá thú vị để biết những khoản đã đầu tư có ích hay không, gọi là “reverse pilot”: bạn sẽ thử nghiệm bằng cách thử “cắt giảm” dần dần những thứ/chế độ đang có hiện tại, để xem có gây ra các hậu quả tiêu cực hay không. Nếu có, thì thứ đó là thiết yếu, nếu không thì bạn có thể loại bỏ được một phần chi phí. Với các dự án đã chạy một thời gian thì cách làm này thật sự có hiệu quả để cắt giảm chi phí.
Tiến bộ
Everyday do something that will inch you closer to a better tomorrow (Doug Firebaugh)
Tình huống: bạn có nhiều thứ muốn làm nhưng không biết nên đặt mục tiêu thế nào. Nhận được lời khuyên từ những người đi trước, bạn luôn đặt mục tiêu thật cao, để rồi mỗi ngày cảm thấy “hụt hơi” khi chạy theo mục tiêu đó
-
Non-Essentialist: luôn đặt ra một mục tiêu quá lớn để rồi thu lại được một kết quả nhỏ bé. Họ luôn tưởng tượng ra một chiến thắng vĩ đại để rồi sung sướng với trí tưởng tượng đó.
-
Essentialist: Họ đặt ra một tầm nhìn xa (vision) lớn, nhưng luôn đi kèm với các mục tiêu nhỏ, để cảm nhận sự tiến bộ của mình từ các mục tiêu nhỏ đó. Họ tập trung và các bước tiến đó (focus on minimal viable progress).
Tập trung
Life is available only in the present moment. If you abandon the present moment you can not live the moments of your daily life deeply (Thich Nhat Hanh)
Tình huống: bạn luôn lo lắng về tương lai, cũng như luôn hoài niệm về quá khứ. Bạn không biết cái mình đang làm hiện tại có thật sự tốt cho tương lai hay không
- Non-Essentialist: đầu óc họ luôn luôn quay cuồng với quá khứ hoặc tương lai. Họ lo lắng về tương lai cũng như bị ám ảnh, khó chịu với những điều tồi tệ trong quá khứ.
- Essentialist: Họ luôn luôn tập trung vào hiện tại. Họ đặt câu hỏi rằng: “hiện tại thì làm cái gì sẽ tốt nhất cho họ?”.
Cho bản thân tôi
- Luôn chú trọng đến việc giảm đi các task phải làm hàng ngày bằng cách gạch đi những thứ không quan trọng, thay vì cố để làm nhiều thứ nhất có thể.
- Mỗi khi phải lựa chọn thì hãy đặt câu hỏi : “liệu làm việc này có thật sự có ích cho bản thân mình hay không?”. Khi đang làm một việc gì đó rồi thì thi thoảng cũng nên nghĩ lại là: “liệu đầu tư thời gian vào việc này có nên không?”
- Xem lại xem các mục tiêu của bản thân đã đủ rõ ràng hay chưa. Nếu chưa thì nên tìm một khoảng trống để làm cho nó rõ ràng.
Essentialism the disciplined pursuit of less là một cuốn sách, theo tôi nói về những điều không quá mới. Khi bạn đọc sẽ thấy đó là những điều mình cũng đã từng “lờ mờ” cảm thấy rồi, và sẽ bật ra: đúng là nên làm như vậy nhỉ. Tuy nhiên cuốn sách đã hệ thống lại những điều nên làm một cách rất khoa học, theo tôi là vô cùng có ích. Hy vọng các bạn cũng thích cuốn sách như tôi.