Quyển này mình đã chọn mua trong ứng dụng đọc sách Miki (của Tiki.vn) nhân dịp Miki khuyến mãi tặng 1 quyển sách miễn phí bất kỳ nhân dịp tết nguyên đán 2016. Lý do bị thu hút bởi quyển sách này là do tựa sách và lời dẫn của nó - Học cách tiêu tiền, Đừng để cháy túi vì “bóc ngắn cắn dài”, bởi vì, ngay trước tết thôi, mình đã trải qua một đợt chật vật vì cách tiêu xài hoang phí của mình, dẫn đến tình trạng bị “cháy túi” đúng như trong sách mô tả:
-
Không có tài khoản tiết kiệm. (Dù tính đến bây giờ là đã đi làm 5 năm trời rồi, trong khi, nhiều người cùng tuổi đã có nhà, có xe, đã lấy vợ… Thiệt đáng buồn, đáng giận.)
-
Không trả nổi nợ thẻ tín dụng tháng cận tết vừa rồi (và dẫn đến việc Ngân hàng bắt đầu tính lãi - 30% / năm), phải trông cậy đến thưởng tết để thanh toán dứt điểm phần nợ này. (Và không may là thưởng tết đến chậm, làm mình không thanh toán kịp, ngày cuối cùng trước khi nhận được lương, trong ví còn chưa đến 50k, thật xấu hổ và cảm thấy nhục nhã.)
-
Không có dư khoản nào để có thể sắm sửa cho bản thân dịp tết, mang quà biếu bố mẹ đồ, biếu nhà bạn gái đồ… (Thật là tồi tệ…)
Toàn bộ quyển sách Học cách tiêu tiền của Larry Winget có thể gói gọn thành 3 phần chính:
Phần 1, phần dẫn nhập, giới thiệu cho người đọc vai trò của đồng tiền, nguyên nhân đa số mọi người đều không được bảo đảm về tài chính, ngập trong nợ nần, khánh kiệt cùng những lời lẽ ngụy biện thông thường cho việc bản thân bị cháy túi. Sách còn muốn bản thân người đọc phải tìm ra lý do tại sao mình phải học cách tiêu tiền, lý do tại sao bạn mình giàu có. Bởi vì tại sao quan trọng hơn làm thế nào.
Phần 2, Larry Winget trình bày các cách Giảm chi tiêu, dừng mọi chi tiêu không cần thiết cũng như biết loại bỏ những thứ ngu ngốc để đạt được thứ bạn muốn.
Phần 3, làm thế nào để Tăng thu nhập.
Dẫn nhập
-
Nghèo tùng khác với khánh kiệt - Có nhiều số phận, sinh ra ở một nơi chiến tranh loạn lạc, mỗi ngày với tranh đấu để giữ lấy sự sống thì làm sao có đủ điều kiện mà trở nên giàu có một cách chính đáng được, cái ở cần là hòa bình, chăm sóc y tế, giáo dục, cái ăn, cái mặc cơ bản nhất mà thôi. Còn khánh kiệt chỉ tình trạng bạn có thu nhập nhưng chi tiêu của bạn lại vượt quá thu nhập của bạn khiến bạn trở nên “cháy túi”.
-
Cuộc sống thoải mái và sung túc khiến con người không muốn thay đổi. Sung túc có nghĩa là bạn không cảm thấy thiếu thốn nhưng đồng thời bạn cũng không cảm thấy mọi thứ quá tuyệt vời. Họ không cảm thấy cuộc sống tồi tệ đến mức cần phải thay đổi nhưng cũng không cảm thấy cuộc sống tốt đẹp đến mức phải thực sự cố gắng để tận hưởng nó.
-
Tiền không quan trọng đối với bạn? Vậy nếu như bạn muốn giúp đỡ người khác mà lại “lực bất tòng tâm” thì sao? Bạn có trách nhiệm kiếm tiền cho bản thân bạn và cho cả thế giới. Hãy tiếp tục thành công, chỉ những người thành công mới có thể giúp đỡ được người khác.
-
Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, nên dù không muốn, cũng phải thừa nhận rằng Tiền định nghĩa con người bạn.
Tuy nhiên, Tiền cũng luôn luôn là vấn đề, bởi vì:
- Tiền không mang lại hạnh phúc cho bạn.
- Tiền không mua được bạn bè.
- Tiền không phải lúc nào giải quyết được những vấn đề của bạn.
- Có tiền không có nghĩa là bạn có thể thanh toán hóa đơn đúng hẹn.
- Tiền không khiến bạn trở thành người giàu lòng nhân ái hơn.
- Tiền không cho bạn một cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn.
- Tiền không giúp bạn thành công.
- Tiền không làm cho bạn trở thành một người tốt hơn.
- Tiền phóng đại mọi thứ.
Tiền sẽ cho phép bạn chi tiêu khi bạn muốn và khi bạn cần, tiền giúp bạn có sự bảo đảm về tài chính. Đó là tất cả những gì tiền có thể làm.
Nếu bạn chăm sóc trí óc của bạn thường xuyên như bạn chăm sóc cái dạ dày của bạn, thì bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc chăm sóc cái dạ dày của bạn, ngôi nhà của bạn hay quần áo bạn mặc trên người. - Albert Einstein
Sự thật là “Không phải cứ làm việc chăm chỉ là có thể giàu có”.
Một vài lý do thông thường ngụy biện cho cảnh “Cháy túi”
- Tôi lớn lên trong nghèo khó.
- Chúa sẽ chu cấp.
- Đó là ý muốn của chúa.
- Tôi xứng đáng được tiêu tiền theo cách tôi muốn.
- Tôi đã thụt lùi lại phía sau quá xa để có thể tiến lên phía trước.
- Tôi không biết làm cách nào để có thể trở nên khấm khá hơn, chưa có ai từng nói với tôi về điều này.
- Tôi không giỏi tính toán.
- Đó là lỗi của các công ty thẻ tín dụng.
- Đồ đạc lên tiếng.
- Giá cả mọi thứ đều rất đắt.
- Tôi không có một công việc với mức lương hấp dẫn.
- Tôi không có bất kỳ kỹ năng nào.
CHI TIÊU LÀ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN KHÁNH KIỆT
Yêu cầu thực hành: Bảng liệt kê những lý do vì sao tôi cháy túi.
“Con người thường không muốn chịu trách nhiệm về những khó khăn trong cuộc sống của mình. Họ dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho những người xung quanh, những sự kiện khác hay thậm chí là đổ lỗi cho Chúa về những thất bại của họ.” - Wayne W.Dyer
-
Sự thật là Bạn không có vấn đề về tiền bạc. Bởi vì không có tiền chỉ là hệ quả của tất cả những vấn đề khác của bạn. Bạn đang có vấn đề về tư tưởng, về thái độ, về lòng tự trọng. Bạn thật lười biếng, bạn không có nguyên tắc, bạn không có mục tiêu, bạn không chú tâm vào những việc ưu tiên của mình. Vấn đề lớn nhất của bạn không phải là bạn có bao nhiêu tiền mà là ở chính suy nghĩ của bạn. Bạn sẽ giải quyết được vấn đề tiền bạc khi bạn giải quyết được những vấn đề khác.
-
Chi tiêu vào những thứ không cần thiết đã khiến bạn lâm vào cảnh túng thiếu. Khi bạn học cách chi tiêu hợp lý thì bạn sẽ giàu có.
Điều then chốt để thoát khỏi nợ nần và trở nên khấm khá đó là bạn phải quyết định trở nên giàu có:
Giảm Chi Tiêu
Đọc thêm trong Sách
Tăng Thu Nhập
Đọc thêm trong Sách
Một số quan điểm của tác giả Larry Winget mà mình ấn tượng:
-
Hãy giao cho trẻ những công việc vặt trong nhà và trả công cho chúng. Đây phải là những công việc vặt đặc biệt, không phải là những việc mà các thành viên trong gia đình vẫn thường làm. Khi bọn trẻ biết tự kiếm tiền, chúng sẽ trân trọng cả công việc và số tiền chúng kiếm được.
-
Bạn không nên chiều bọn trẻ bằng cách mua mọi thứ chúng muốn hay mọi thứ chúng không có.
-
Con bạn không có quyền đối với tiền của bạn khi bạn qua đời - Quan trọng là bạn dạy các con cách kiếm tiền, tiêu tiền, đầu tư tiền và tận hưởng những thứ mà tiền mang lại như thế nào. Vì vậy, để lại tiền bạc cho các con bạn là một việc không hề quan trọng chút nào.
-
Luôn chắc chắn rằng không quên tiết kiệm một phần số tiền bạn kiếm được, Hãy vui vẻ với tiền của bạn, bạn có thể mua cho mình một món đồ đáng giá mà bạn yêu thích như một phẩn thưởng cho những nỗ lực của bạn miễn là bạn chi tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được. Đừng cố gắng làm giàu chỉ để sống một cuộc sống mà bạn cảm thấy chấp nhận được.
12 bài học của Larry Winget để thoát nợ và trở nên khấm khá hơn:
- Biết bạn đang ở đâu.
- Chịu trách nhiệm cho tình huống.
- Cảm thấy tồi tệ về điều đó và trải nghiệm sự hối tiếc.
- Đưa ra quyết định cho mọi điều trở nên khác biệt.
- Biết chính xác bạn muốn tương lai mình như thế nào.
- Lập một kế hoạch để đạt được điều đó.
- Biết bạn sẵn sàng từ bỏ điều gì để đạt được điều mình muốn.
- Chi tiêu ít hơn thu nhập của bạn.
- Hình dung ra những cách thức để kiếm tiền.
- Dừng mọi chi tiêu không cần thiết.
- Trả nợ càng nhanh càng tốt và chỉ vay những khoản nợ dài hạn khi cần thiết.
- Xây dựng một tấm đệm an toàn, Tiết kiệm.
Tham khảo thêm bài Phương pháp quản lý tài chính JARS.
5 thứ nên đầu tư và 5 thứ không nên chi tiền
5 thứ không nên chi tiền
- Các món hàng điện tử
- Đồ trang trí nội thất theo mốt
- Xe
- Thời trang
- Trang sức
5 thứ nên đầu tư
- Hãy giao cho trẻ những công việc vặt trong nhà và trả công cho chúng. Đây phải là những công việc vặt đặc biệt, không phải là những việc mà các thành viên trong gia đình vẫn thường làm. Khi bọn trẻ biết tự kiếm tiền, chúng sẽ trân trọng cả công việc và số tiền chúng kiếm được.
- Giáo dục
- Du lịch
- Âm nhạc
- Sách
- Thực phẩm
Cái mình cần thay đổi trước mắt là cách mình suy nghĩ, thái độ của mình đối với đồng tiền.