Hẳn mọi người đã nghe qua về quy tắc 10_000 giờ của Malcolm Gladwell (được đặt ra lần đầu trong quyển những kẻ xuất chúng - http://sachchonloc.vn/tua-sach/nhung-ke-xuat-chung/) thì nên đọc qua bài viết này để hiểu đúng thế nào là làm việc có chủ đích. Bài viết được lấy từ nguồn Kipalog.com - http://kipalog.com/posts/Luyen-tap-co-chu-dich-Deliberate-practice—bi-mat-cua-su-xuat-sac
Nếu bạn chưa biết về quy tắc 10_000 giờ
Có bao giờ bạn tự hỏi điều gì phân biệt giữa những thiên tài và người bình thường, giữa người xuất sắc và người trung bình? Tại sao có những người có có những thành tích xuất sắc, có hiệu suất làm việc vượt trội còn mình thì cứ mãi làng nhàng, lẹt đẹt? Mình cũng hay có những câu hỏi như vậy và thường tìm hiểu xem bí quyết của sự xuất sắc là gì. Vừa rồi mình cũng có đọc một vài quyển sách báo nói về vấn đề này và cũng đã nhận ra được đôi điều về nó. Bí mật của sự xuất sắc đó chính là Luyện tập có mục đích
Bạn có bao giờ nhận thấy rằng, sau một khoảng thời gian dài làm một công việc nào đó, trình độ của bạn hầu như không được tiến triển lên mà chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó? Tại sao có những người đạt được đến trình độ chuyên gia, còn có những người mãi chỉ dậm chân tại chỗ bất chấp bao nhiêu bao nhiêu năm kinh nghiệm làm việc? Thật may, đó không phải do năng khiếu bẩm sinh, hoặc thiên tài có sẵn, mà nó là kết quả của một thời gian dài luyện-tập-có-chủ-đích Deliberate-Practice.
Vậy luyện tập có mục đích là gì?
1. Là những hoạt động được thiết kế đặc biệt để tăng hiệu suất.
- Luyện tập mà thiếu thiết kế, không bài bản thì chỉ là trò chơi và rất khó để tăng hiệu suất. Bạn không thể chạy ra sân bóng đá hàng tuần, thâm thí hàng ngày vui vẻ cùng bạn bè mà trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp được. Bạn cũng không thể hàng ngày làm công việc đều đều như nhau mà đạt được hiệu suất vượt trội được.
- Bạn có thể phải cần sự trợ giúp của huấn luyện viên và người cố vấn. Những người này có thể nhìn thấy những thiếu sót của bạn và giúp bạn nhận ra nó. Quan trọng hơn, họ nhìn thấy bạn theo cách mà bạn không thể tự mình nhìn thấy. Đó là lý do các vận động viên hàng đầu thế giới luôn có các huấn luyện viên. Người giỏi thì tập luyện học hỏi cùng huấn luyện viên, người bình thường thì thường tự làm một mình.
- Đó thường là những hoạt động trong vùng học tập (Learning zone). Đây là vùng nằm ngoài vùng thoải mái (Comfort zone) của bạn, nơi mà bạn cảm thấy dễ chịu thích thú nhưng không hề làm tăng hiệu suất. Nó cũng không phải là vùng hoảng loạn (Panic zone) nơi mà quá khó với bạn và bạn không biết phải bắt đầu từ đâu. Cách duy nhất để tiến bộ là liên tục làm những việc trong vùng học tập, liên tục mở rộng vùng thoải mái.
- Đó là những hoạt động được chia ra thành những phần nhỏ, những đơn vị cấu thành. Tại mỗi đơn vị đó người ta tập luyện nó nhuần nhuyễn trước khi chuyển đến các đơn vị tiếp theo. Và cuối cùng là lắp ghép chúng lại thành 1 thể thống nhất.
2. Nó có thể lặp lại rất nhiều lần
- Lặp lại trong vùng thoải mái thì không phải là luyện tập.
- Sự lặp lại này phải nằm trong vùng học tập và bạn phải lặp lại nó với nhiều phản hồi kèm theo. Đó có thể là quá trình bạn mài dũa một khía cạnh nào đó chưa thành thạo, hoặc khắc phục một điểm yếu mà bạn mắc phải. Bạn cần luyện tập khía cạnh đó rất nhiều lần cho đến khi nó trở thành vùng thoải mái.
Quy tắc 10.000 giờ nói rằng chúng ta phải dành khoảng 10.000 giờ (khoảng 10 năm) luyện tập có chủ đích trước khi có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh của mình.
3. Luôn nhận được phản hồi trên kết quả thu được
- Luyện tập điều gì đó mà không biết mình đang tiến bộ như thế nào, không biết được tiến trình của mình ra sao thì không tốt một chút nào. Đó là cách mà hầu hết chúng ta làm việc hàng ngày.
Cho dù bạn có luyện tập thế nào nhưng nếu không nhìn thấy hiệu quả mà bạn đạt được thì có 2 điều xảy ra: Bạn sẽ không thể tốt lên, và bạn sẽ không còn quan tâm đến nó nữa.
- Bạn phải liên tục ghi lại kết quả đạt được theo từng quãng thời gian cụ thể, đánh giá, đưa ra nhận xét để điều chỉnh kế hoạch tập luyện sao cho phù hợp nhất. Sẽ khó khăn khi bạn làm điều đó một mình, vì vậy có một huấn luyện viên thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
4. Nó đòi hỏi rất khắt khe về mặt tinh thần.
-
Làm những việc mình quen thuộc thì dễ chịu và không đòi hỏi nhiều nỗ lực. Tuy nhiên luyện tập có mục đích thì dễ dàng và đòi hỏi nhiều nỗ lực trong một thời gian dài.
-
Có thể tối đa 4-5 tiếng một ngày dành cho luyện tập. Và thường đòi hỏi trong một thời gian dài
Luyện tập có chủ đích thì khó khăn. Nó đau đớn nhưng hiệu quả. Bạn tập luyện thêm một chút bạn sẽ tốt hơn một chút và khi bạn luyện tập nghiêm túc bạn sẽ có hiệu suất vượt trội.
5. Sự cô độc
- Luyện tập có mục đích cần sự tập trung cao nên nó thường tốt nhất khi tập một mình
- Nó mang tính thử thách cá nhân, vì mỗi người là duy nhất, mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách và đặc điểm khác nhau. Chúng ta phải cố gắng tìm ra cách tốt nhất để luyện tập phù hợp với bản thân mình.
- Nó cần có một động lực từ sâu bên trong chúng ta để giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn đau đớn trong luyện tập.
Một vài ví dụ
Khi viết bài này hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu mình đó là vận động viên bơi lội Ánh Viên. Hình ảnh em thi đấu tại Seagames một mình một đường bơi băng băng về đích vượt xa tất cả các vận động viên khác là một ví dụ sinh động về quá trình tập luyện này. Em không phải là 1 thiên tài bơi lội ngay từ đầu, em chỉ có một số tố chất tốt phù hợp với bơi. Em được đưa vào đội tuyển bơi tập luyện chuyên nghiệp và đã đạt những kết quả tốt. Nhưng em chỉ trở thành vận động viên bơi lội tầm Olympic sau một quá trinh rèn luyện gian khổ tại Mỹ. Nếu như mọi người biết quá trình em luyện tập vất vả đến nhường nào thì mới thấy kết quả em đạt được tại Seagames là điều tất yếu.
Hàng ngày em phải bơi vài chục cây số, phải tập luyện những bài tập vô cùng khắt khe, chặt chẽ với vài chuyên gia và huấn luyện viên bên cạnh. Em phải luyện tập như vậy liên tục hàng năm trời không ngừng nghỉ để liên tục nâng cao giới hạn của mình. Không Internet, không điện thoại chỉ toàn tâm toàn ý luyện tập hết sức mình trong cô đơn. Và kết quả em đạt được thực sự là vô cùng xuất sắc. Đó là kết quả của một quá trình luyện tập luyện tập có mục đích, bài bản và chuyên nghiệp.
Một nhân vật mà mình cũng rất thích đó là huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Người ta vẫn nói anh là thiên tài võ thuật, nhưng thực sự anh là thiên tài trong luyện tập đến nỗi người ta ca ngợi anh là “Người tập luyện nhiều nhất thế giới”.
Practice does not make perfect. Only perfect practice makes perfect.
Nếu bạn hay xem bóng đá thì chắc sẽ biết đến tiền vệ David BecKham. Người nổi tiếng với những đường chuyền chính xác và những cú sút phạt đẹp mắt. Để làm được điều đó ngoài tài năng bẩm sinh, anh còn phải khổ luyện nữa mới có thể thành công. Đây là cách mà anh tập luyện khi còn nhỏ.
Hồi nhỏ anh mượn chú gấu bông của em gái làm mục tiêu sút bóng của mình. “Tôi phải tập sút hàng chục cho đến hàng trăm ngàn lần như vậy. Tôi đi đến công viên, đặt quả bóng trên mặt đất và nhắm vào dây lưới nhỏ trên cửa sổ của một căn nhà để làm mục tiêu. Khi ba tôi đi làm về, chúng tôi sẽ tập sút cầu môn với nhau. Ba tôi làm thủ môn cho tôi tập sút nhưng phải đá làm sao cho đường đi của trái bóng cong lượn qua người ông ấy. Mọi người xung quanh cứ nghĩ là chúng tôi bị… điên. Chúng tôi tiếp tục tập như thế cho tới khi mặt trời lặn và ánh sáng có được là nhờ ánh đèn hắt ra từ cửa sổ của những ngôi nhà quanh công viên.”
Kết luận
Nếu bạn muốn thực sự tăng hiệu suất làm việc của mình hay muốn thành công trong sự nghiệp của mình thì hãy chú ý đến việc luyện tập và rèn luyện các kỹ năng của mình. Đó không nhất thiết phải là kỹ năng chuyên môn mà còn là các kỹ năng xã hội. Chúng ta không nhất thiết phải tập luyện đỉnh cao như các vận động viên hàng đầu thế giới nhưng nếu thường xuyên luyện tập chúng ta có thể đạt đến những kết quả không ngờ
Nếu là một lập trình viên thì bạn có thể luyện tập để tăng skill của mình. Code kata là một cách hay để rèn luyện, phát triển kỹ năng. Tham gia các OpenSource để học hỏi thêm, viết blog về kỹ thuật, hoặc có thể tạo ra các sản phẩm có ích cho cộng đồng.
Hãy bước ra khỏi vùng thoải mái của mình, lên kế hoạch và bắt đầu mài dũa các kỹ năng của mình.
Luyện tập có chủ đích thì khó khăn. Nó đau đớn nhưng hiệu quả. Bạn tập luyện thêm một chút bạn sẽ tốt hơn một chút và khi bạn luyện tập nghiêm túc bạn sẽ có hiệu suất vượt trội.