Bài viết thuộc Chương 1 - Sách Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh. Đây là nơi mình ghi chú những gì đã học từ sách.
Khi bạn không biết rõ mình phải ghi nhớ cái gì thì bạn sẽ chẳng thể ghi nhớ. Khi học mà không xác định mục tiêu cụ thể cho mình thì thường người học sẽ rơi vào tình trạng cả thèm chóng chán, bỏ cuộc giữa chừng và cho dù có cố gắng tham gia tất cả các buổi học thì họ cũng không cảm thấy tiến bộ được nhiều. Không có mục tiêu, trí nhớ của chúng ta sẽ trở nên kém cỏi, tầm thường vì nó không có mục đích để vươn tới.
Khoa học thiết lập và quản lý mục tiêu
Nghiên cứu cho thấy những người học tiếng anh trong các khóa luyện thi IELTS, TOELF hay TOEIC thường đạt kết quả cao hơn và luôn thấy mình tiến bộ rõ rệt hơn so với khi học các khóa học không có mục tiêu cụ thể. Thông thường, người học tiếng anh đều muốn trở nên “giỏi tiếng anh”. Nhưng bạn cần lưu ý rằng “giỏi tiếng anh” không phải là mục tiêu, mà nó là mong muốn. Mong muốn khác mục tiêu ở chỗ mong muốn thường mông lung, xa xôi và không cụ thể. Còn mục tiêu thì luôn cụ thể với một cái tên rõ ràng, có tính khả thi đối với người thực hiện, có một khối lượng công việc phải làm rõ ràng, và một quỹ thời gian để hoàn thành rõ ràng.
Mục tiêu phải được viết ra, vì nếu chỉ nghĩ trong đầu thì ý nghĩ đó sẽ bị lãng quên rất nhanh. Mục tiêu được viết ra phải để trong tầm mắt của bạn, bạn phải nhìn thấy được (và tốt nhất là nê nhìn thấy nó mỗi ngày). Viết mục tiêu ra là bạn đã cam kết với bản thân về một kết quả mà bản thân mình phải làm được.
Nguyên tắc S.M.A.R.T trong việc thiết lập Mục tiêu
Khi thiết lập 1 mục tiêu bất kỳ, hãy lưu ý về nguyên tắc S.M.A.R.T như sau:
-
Specific (cụ thể) - Mục tiêu này có được cụ thể hay không?
-
Motivational (giàu động lực): TOEIC 900 điểm có khiến bạn cảm thấy hứng thú và tự hào không?
Có một phiên bản khác về chữ M mà mình đọc trong các sách về personal mastery khác (nhất thời không nhớ được quyển nào) thì M là Measurable (có thể đo lường được). Ứng vào trường hợp này thì nó vẫn đúng, cái gì có thể đo lường được và đủ lớn thì mới có thể truyền cảm hứng cho bạn. Và có thể đo lường được thì bạn mới biết được mình đang ở đâu trên con đường đi đến mục tiêu. - viphat
-
Achievable (có thể đạt được): Mục tiêu này có thể khả thi đối với bạn hay không?
-
Realistic (có tính thực tế): Mục tiêu này có thực tế với người thực hiện hay không?
Cũng trong một phiên bản khác thì R là Relevant, liên quan đến tầm nhìn chung. Cá nhân mình cảm thấy Relevant thì đúng hơn so với Realistic vì ý nghĩa của Realistic và Achievable cũng tương tự nhau, bao hàm nhau. Phi thực tế thì bản thân mình không sao đạt được. Và ngược lại, Nếu mình có thể đạt được thì chắc chắn nó cũng là thực tế rồi. Vì vậy, mình định nghĩa lại Relevant của việc học tiếng anh là mục tiêu “TOEIC 900 điểm có hữu ích cho mục tiêu sự nghiệp / con đường thành công của bạn không?” - viphat
- Time-based (có thời hạn rõ ràng): Mục tiêu này phải hoàn thành trong bao lâu?
Quản lý mục tiêu đơn giản là hoàn thành các chỉ tiêu
Sau khi đặt mục tiêu thì nhiều người sẽ có khởi đầu rất hăng hái, nhưng sự hăng hái chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn ngủi và đa phần đều viện đủ thứ lý do để trì hoãn. Lý do nào mà làm cho người ta hay bỏ cuộc giữa chừng vậy?
-
Thứ nhất, người ta không nghiêm túc trong việc đặt mục tiêu. không viết mục tiêu ra rõ ràng và càng không viết lời cam kết với chính bản thân nên khi bỏ cuộc người ta cũng chẳng cảm thấy có gì to tát cả. Đám đông những người trung bình thường mắc phải cạm bẫy này.
-
Thứ hai, những người ấy không biết cách chia mục tiêu lớn thành chỉ tiêu nhỏ và thực hiện từng bước nhỏ mỗi ngày. Khi đối diện với một khối lượng lớn công việc hoàn thành trong thời gian xác định cũng như khi đứng trước một con đường dài đầy gian nan phía trước, người ta thường có xu hướng sợ hãi và muốn bỏ cuộc. Người thành công là người bình tĩnh nhìn vào mục tiêu và chia nhỏ nó, phân bổ nó thành từng gói mục tiêu nhỏ hơn trong từng khoảng thời gian nhỏ hơn để thực hiện. Người thành công có thể là người bắt đầu chậm nhưng chắc chắn là người đi đến cùng.
viphat: Có một phương pháp khá gần với việc chia mục tiêu, bạn có thể tham khảo Video về Phương pháp Kaizen của anh Vũ Đức Trí Thể, khá đầy đủ và dễ hiểu - Youtube - Phương pháp Kaizen
Cách vượt qua vấn đề như đã nêu ở lý do thứ hai đó là nguyên tắc chia mục tiêu và đếm thành tựu.
- Chia mục tiêu: Không nhất thiết phải bắt đầu ngay một cách vội vàng mà cần dành thời gian để đánh giá khối lượng công việc, chia nhỏ nó và vạch ra một chiến lược rõ ràng, một kế hoạch hành động cụ thể cho mục tiêu đã đặt ra, để có thể đi đến kết quả cuối cùng một cách tối ưu nhất. Ví dụ như để làm tốt bài thi TOEIC thì một người trung bình cần phải có ít nhất 3000 từ vựng. Nếu mục tiêu của bạn là học 3000 từ vựng trong 180 ngày thì thay vì thấy choáng ngợp với con số 3000 từ vựng thì chúng ta cần chia 3000 từ thành các chỉ tiêu nhỏ hơn và hoàn thành nó, mỗi ngày học đều đặn 20 từ vựng thì chưa đến 180 ngày là xong.
Con đường vạn dặm bắt đầu bằng một bước nhỏ.
- Đếm thành tựu - một hành động mà bất cứ ai cũng sung sướng và hạnh phúc cao độ khi thực hiện đó là ôn lại những thành công và nói về thành quả của chính mình. Thay vì bắt đầu việc học tập bằng cách nhìn vào đống công việc đồ sộ phải thực hiện, bạn hãy xem lại những thành quả mà bạn đã đạt được, những cột mốc mà bạn đã vượt qua, bạn sẽ thấy năng lượng ản thân để thực hiện công việc tăng lên dồi dào hơn hẳn phải không? Cho điểm đối với khả năng hoàn thành chỉ tiêu của bản thân chính là thuốc tăng lực cho ý chí của mỗi người. Hãy thực hiện việc tự đánh giá nỗ lực của bản thân mỗi ngày một cách nghiêm túc và đều đặn đi, bạn sẽ tiến bộ rất nhanh và hơn thế nữa là bạn trở thành nhà quản lý cừ khôi cho chính bản thân bạn. Và khi muốn bỏ cuộc, hãy nhớ lại lý do mà bạn đã bắt đầu và hãy nhìn lại hành trình của mình thì bạn không có lý do nào để bỏ cuộc nữa. Hãy luôn cố gắng, hãy liên tục vươn đến điểm 10, bạn sẽ hấp dẫn được những điểm 10 khác kéo đến cuộc đời bạn. ==Đừng bao giờ chấp nhận trở nên tầm thường, đừng để bản thân mắc kẹt ở mức trung bình==. Khi bạn đã nếm thử món ăn mang tên thành công, bạn sẽ nghiện nó. Điều đó thật tốt, phải không nào?
Bạn có thể đọc một câu chuyện “một cuốn sổ tiết kiệm đặc biệt”, Tuy câu chuyện này nói về tài khoản tiết kiệm về tình cảm nhưng bạn vẫn có thể ứng dụng nó vào quá trình thực hiện mục tiêu của bạn?
Learn English - Funny English Video - Learn English Conversation 01